Gửi Câu Hỏi

Bé ngưng thở khi ngủ có sao không? Mẹ nên làm gì?

Bé ngưng thở khi ngủ phổ biến hơn ở trẻ sinh non < 37 tuần. Vậy tình trạng này có sao không? Nguyên nhân do đâu và mẹ nên làm gì? Bé ngủ ngon sẽ cùng mẹ tìm hiểu trong bài viết.

1. Chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ sơ sinh

bé ngưng thở khi ngủ

Não sẽ là cơ quan điều khiển nhịp thở của chúng ta một cách tự động. Nhưng khi ngủ não sẽ ít hoạt động hơn, nhịp thở và nhịp tim cũng chậm lại do đó trẻ sơ sinh có thể bị ngưng thở. Nó ít phổ biến ở trẻ đủ tháng với tỷ lệ 1:1000 nhưng lại diễn ra khá nhiều ở trẻ sinh non, khoảng một nửa ở trẻ 33 - 35 tuần thai và hầu hết ở trẻ < 28 tháng.

Bé ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra cả khi ngủ trưa, diễn ra nhanh chóng, không báo trước với các dấu hiệu, triệu chứng như:

  • Không thở trong 20 giây hoặc lâu hơn một chút
  • Màu da có thể xanh hoặc rất nhợt nhạt khi nồng độ oxy trong máu giảm và mức độ carbon dioxide tăng lên
  • Ngủ không ngon giấc, trằn trọc, dễ tỉnh giấc
  • Ngáy, khịt mũi, ho, thở hổn hển hoặc nghẹt thở, thở nặng nhọc
  • Thở bằng miệng
  • Đổ mồ hôi ban đêm
  • Khó nuốt
  • Thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp
  • Tim đập chậm hơn, < 80 nhịp/phút. Nhịp tim chậm thường kéo theo ngưng thở

May mắn là trẻ sơ sinh bị ngưng thở khi ngủ hiếm khi có biến chứng lâu dài và thường tự hết khi trẻ được 1 tuổi. Tuy nhiên trong thời gian này trẻ vẫn cần được theo dõi và điều trị khi cần.

Ngoài ra, với trẻ em > 1 tuổi và người lớn, ngưng thở khi ngủ thường liên quan tới OSA (ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn). OSA xảy ra ở 1 - 5% trẻ em 2 - 6 tuổi. Đây là trường hợp cần điều trị vì nó có thể gây nguy cơ các vấn đề về tim mạch, hành vi, học tập và tăng trưởng.

2. Nguyên nhân bé ngưng thở khi ngủ

Có nhiều lý do khiến bé ngưng thở khi ngủ, đặc biệt ở trẻ sơ sinh sinh non như:

  • Não bộ chưa phát triển hoàn thiện nên không gửi đúng tín hiệu cho cơ thể. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất
  • Các yếu tố khác là nguyên nhân hoặc làm nặng thêm bao gồm:
    • Vấn đề tim mạch khiến tim không bơm đủ máu lên não
    • Rối loạn thần kinh cơ (hội chứng Down, bại não). Hơn 50% trẻ mắc hội chứng Down bị OSA
    • Nhiễm trùng: đường tiết niệu, phổi, não, ho gà
    • Vòm họng hoặc amidan phì đại
    • Bất thường về hộp sọ và khuôn mặt: cằm bị đẩy ra sau...
    • Chấn thương đầu, chảy máu não
    • Trào ngược dạ dày
    • Phơi nhiễm độc tố
    • Rối loạn chuyển hóa, chẳng hạn như bệnh ty thể hoặc hạ đường huyết
    • Các bệnh lý khác: bệnh phổi, thiếu máu hồng cầu hình liềm, tiền sử gia đình mắc OSA
  • Đôi khi, bác sĩ không thể tìm ra lý do ngưng thở khi ngủ ở trẻ

3. Nên làm gì khi trẻ sơ sinh ngưng thở khi ngủ?

bé ngưng thở khi ngủ

Trước hết, hãy nhớ rằng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi có nhịp thở không đều là điều bình thường. Điều này được gọi là "thở định kỳ", thường bắt đầu bằng hơi nhanh, sau đó chậm hơn và tạm dừng trong 5 - 10 giây, tiếp đó lại thở nhanh trở lại...

Nếu sinh non, bé có thể được chăm sóc tại phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (NICU) ngay sau khi sinh để đánh giá, theo dõi và điều trị chứng ngưng thở nếu cần. Như sẽ có một màn hình cảnh báo nếu trẻ ngưng thở và y tá sẽ nhẹ nhàng xoa bóp để kích thích. Nếu cần, trẻ có thể được cho thở oxy cho tới khi có thể tự thở trở lại.

Xét nghiệm đa ký giấc ngủ thường được sử dụng để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là một quy trình không đau đớn, được thực hiện trong phòng thí nghiệm dưới sự giám sát của các kỹ thuật viên. Cảm biến sẽ được đặt để theo dõi sóng não, cử động mắt, nhịp thở, nhịp tim, nồng độ oxy trong máu cũng như tiếng ngáy, tiếng thở hổn hển mà bé tạo ra trong các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ. Sau đó, tuỳ thuộc vào kết quả kiểm tra mà bác sĩ sẽ tiến hành điều trị phù hợp.

Mặc dù hầu hết trẻ sơ sinh sẽ hết ngưng thở khi ngủ khi khoảng 1 tuổi, lúc đường hô hấp trên đã lớn hơn và/ hoặc hệ thần kinh của trẻ phát triển hoàn thiện. Nhưng một số vẫn có thể cần được điều trị trong thời gian chờ đợi này. Điều này có thể bao gồm:

  • Một ống thông nhỏ được đặt trong mũi để cung cấp oxy cho bé. Trẻ có thể cần đeo mọi lúc (đặc biệt khi < 4 tháng) hoặc chỉ cần đeo lúc đi ngủ
  • Dùng máy áp lực đường thở dương liên tục (CPAP), thổi không khí vào mũi qua mặt nạ lúc ngủ để giữ cho đường thở luôn mở. Tuy nhiên, CPAP thường không được dùng cho chứng ngưng thở khi ngủ trung ương.
  • Sử dụng thuốc giúp bé thở và tăng nhịp tim
  • Liệu pháp caffein: trẻ sinh non ngưng thở khi ngủ đôi khi được điều trị bằng caffein theo chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ
  • Phẫu thuật nếu trẻ bị tắc nghẽn đường thở (như VA lớn)
  • Bác sĩ có thể đề nghị cho bé ngậm núm vú giả

Nếu thấy trẻ thở hổn hển khi ngủ, có thể do nhịp thở của con bị tạm dừng rồi bé sẽ thở hổn hển một chút. Do đó, mẹ hãy cho trẻ đi khám bác sĩ nếu bé:

  • Ngừng thở thường xuyên
  • Ngừng thở quá 20s
  • Thở hổn hển/ nghẹt thở/ ngáy/ ho/ khịt mũi lúc ngủ
  • Lỗ mũi phập phồng theo từng nhịp thở
  • Lõm vào và ra ở da phía trên xương đòn hoặc giữa/ dưới xương sườn trong mỗi hơi thở
  • Thở nhanh
  • Lẩm bẩm, huýt sáo hoặc thở khò khè khi hít vào và thở ra

Bên cạnh đó, cần cho trẻ tới bác sĩ ngay nếu:

  • Màu da hơi xanh trên mặt, môi hoặc lưỡi (tay chân hơi xanh thì không sao, có thể do trẻ bị lạnh hoặc vừa khóc)
  • Thở > 60 nhịp/ phút
  • Trẻ không phản hồi

Như vậy, khi thấy bé ngưng thở khi ngủ thì mẹ cần theo dõi và đưa bé đi khám khi cần thiết. Đồng thời, hãy thiết lập cho trẻ không gian ngủ thoải mái, yên tĩnh, ít ánh sáng để con có những giấc ngủ trọn vẹn mẹ nhé!

Tài liệu tham khảo:

  • Miles, K. (2023). Sleep apnea in babies. BabyCenter. https://www.babycenter.com/baby/sleep/sleep-apnea-in-babies_1741484
  • Apnea. (n.d.). https://www.nationwidechildrens.org/conditions/apnea

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

VB9