Có nhiều cách đánh thức trẻ sơ sinh ngủ ngày mà ba mẹ có thể thực hiện để gọi con dậy một cách nhẹ nhàng, ít làm con giật mình và ảnh hưởng tới tâm lý. Ba mẹ hãy tìm hiểu để áp dụng khi cần thiết nhé!
1/ Tại sao cần đánh thức trẻ sơ sinh ngủ dậy?
Mặc dù việc tìm cách đánh thức trẻ sơ sinh ngủ ngày khi con đang ngủ ngon như đang làm phiền trẻ và không mấy thân thiện. Nhưng trong một số trường hợp, ba mẹ vẫn nên đánh thức trẻ sơ sinh dậy, như để con không bỏ lỡ cữ bú hoặc một hoạt động cần thiết nào đó.
Trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn phát triển rất nhanh nhưng dạ dày lại còn nhỏ nên cần rất nhiều cữ bú trong ngày. Đây cũng lý do mà Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (APP) khuyên các ba mẹ nên đánh thức trẻ dậy để bú nếu bé ngủ nhiều hơn 4, 5 giờ một lần trong 2 tuần tuổi đầu tiên. Vì chưa phân biệt rõ ngày, đêm nên trẻ có thể ngủ lâu vào mọi thời điểm trong ngày và bỏ lỡ cữ bú.
Các dấu hiệu trẻ đang đói rõ ràng hơn mà mẹ có thể nhận thấy như: trẻ bặm môi, rướn người, mút ngón tay, tiếng sôi bụng...
Bên cạnh đó, mẹ cũng nên đánh thức trẻ dậy khi:
- Bé có lịch ngủ trưa và đã ngủ qua thời gian đó, dài hơn bình thường khoảng 1 tiếng hoặc lâu hơn
- Đã gần đến giờ đi ngủ buổi tối. Với trẻ 1, 2 tháng tuổi thì các giấc ngủ ngắn này ít ảnh hưởng tới giờ ngủ buổi tối, nhưng với trẻ từ 3, 4 tháng tuổi, những giấc ngủ ngắn cuối ngày này có thể làm trẻ khó ngủ hơn, ngủ ít hơn về đêm
Chúng ta nên cân nhắc việc đánh thức trẻ sơ sinh đang ngủ ban ngày với mong muốn trẻ sẽ ngủ nhiều hơn về đêm. Vì làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ khi không cần thiết có thể làm tăng hormon căng thẳng cortisol. Khi bé được nghỉ ngơi đủ, tâm lý thoải mái thì càng dễ ngủ hơn.
2/ Các cách đánh thức trẻ sơ sinh ngủ ngày nên biết
Nếu trong tình thế cần thiết thì mẹ có thể áp dụng các cách đánh thức trẻ sơ sinh ngủ ngày dưới đây:
- Bắt đầu với các biện pháp cơ bản, nhẹ nhàng như: nói chuyện, ca hát, kích thích nhẹ nhàng (bế bé lên và đi lại, di chuyển tay và chân của trẻ, xoa má, xoa bóp bàn tay, bàn chân, cánh tay, lưng, vai...)
- Đặt một chiếc khăn mát (không lạnh) lên trán của trẻ
- Cởi quần áo của trẻ. Nhiều trẻ sơ sinh sẽ không thích được cởi quần áo khi đang ngủ, và không khí mát mẻ có thể khiến trẻ từ từ phải tỉnh giấc
- Thay tã cho bé nếu việc cởi quần áo chưa hiệu quả
- Cho trẻ đi tắm. Hành động "quyết liệt" hơn này sẽ hiệu quả, nhưng bạn chỉ nên áp dụng khi đã thất bại với các phương pháp kể trên
Nếu trẻ vẫn ngủ lâu hơn, bỏ bú nhiều lần, không tăng cân hoặc tăng cân chậm thì bạn nên đưa bé tới bác sĩ để được kiểm tra và giúp trẻ quay trở lại với lịch trình bú phù hợp.
Với những bé từ 3 tháng tuổi trở đi, nhịp sinh học ngày đêm đã bắt đầu hình thành thì việc ngủ ngày nhiều có thể ảnh hưởng phần nào tới chất lượng giấc ngủ ban đêm. Nếu sau đó trẻ có biểu hiện rối loạn giấc ngủ như khó ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ ít... thì mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung Melatonin cho trẻ.
Melatonin là một hormon giấc ngủ được tiết ra tự nhiên trong cơ thể, giúp điều chỉnh nhịp sinh học ngày đêm. Melatonin cũng có mặt trong nhiều loại thực phẩm như: trà hoa cúc, trà hoa lạc tiên, cam, anh đào, chuối, yến mạch, bí ngô... Các nghiên cứu cho thấy, bổ sung melatonin cho hiệu quả cải thiện giấc ngủ nhanh ngay từ những ngày đầu sử dụng và an toàn cho trẻ, không gây lệ thuộc.
Hy vọng những cách đánh thức trẻ sơ sinh ngủ ngày trên đây đã giúp ba mẹ biết được nhiều sự lựa chọn phù hợp để đánh thức trẻ dậy và áp dụng chúng một cách dễ dàng. Giấc ngủ không chỉ là thời gian để trẻ nghỉ ngơi mà còn quan trọng với sự phát triển não bộ, tâm lý và thể chất của trẻ. Vì vậy, hãy giúp bé có những giấc ngủ ngon và lịch trình phù hợp mẹ nhé!
Tài liệu tham khảo:
- https://www.todaysparent.com/baby/baby-sleep/yes-sometimes-its-ok-to-wake-a-baby-from-a-nap/
- https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/sleep/Pages/Waking-Up-Is-Sometimes-Hard-to-Do.aspx
- https://www.whattoexpect.com/first-year/ask-heidi/wake-to-feed.aspx