Gửi Câu Hỏi

Kinh nghiệm rèn con tự ngủ của các ba mẹ Việt khoa học, hiệu quả

Các ba mẹ Việt thường áp dụng kinh nghiệm rèn con tự ngủ nào? Để giúp con trẻ hình thành nếp ngủ khoa học không chỉ giúp ba mẹ nhàn hơn mà còn tốt cho sự phát triển tự nhiên của trẻ. Hãy cùng Bé ngủ ngon tìm hiểu qua các chia sẻ dưới đây nhé!

1/ Kinh nghiệm rèn con tự ngủ

Dưới đây là những kinh nghiệm chăm sóc và rèn cho bé tự ngủ một cách khoa học, hiệu quả nhanh được các cha mẹ việt áp dụng thành công, mà bạn có thể tìm hiểu:

Kinh nghiệm rèn con tự ngủ của bố Ken

Khi nhắc đến kinh nghiệm rèn con tự ngủ, chúng ta không thể không nói tới bố Ken - người truyền cảm hứng và chuyên chia sẻ cùng các ba mẹ về phương pháp chăm con khoa học EASY và khích lệ bé tự ngủ.

Cụ thể, trên group "EASY: Giúp bé ăn no, ngủ đủ - Bố Ken" của mình, bố Ken có chia sẻ về trình tự ngủ 4S5S để giúp con tự ngủ chỉ sau vài phút.

kinh nghiệm rèn con tự ngủ

4S bao gồm:

  • S1 (sleep routine): Tạo thủ tục đi ngủ, bao gồm một nhóm các hoạt động giống nhau lặp đi lặp lại trước khi đi ngủ, kéo dài từ 10 - 20 phút.
  • S2 (swaddling): Quấn bé. Đây là việc ra tín hiệu cho bé đi ngủ.
  • S3 (sitting): Ngồi yên tĩnh, bế bé trong phòng tối. Tạo chuyển giao giờ thức và giờ ngủ.
  • S4 (shushing/ sucking): Kỹ thuật shh/ pat, kèm hoặc không kèm ti giả.

5S bao gồm:

  • S1 (swaddling): Quấn bé
  • S2 (side or stomach position): Đặt em bé nằm nghiêng hoặc nằm sấp để được thư giãn hơn.
  • S3 (shushing): Tạo âm thanh shhhh – loại tiếng ồn trắng giúp bé cảm thấy an tâm hơn.
  • S4 (swinging): Đung đưa theo nhịp điệu. Trong trường hợp bé không khóc và đang dần chìm vào giấc ngủ, bạn nên bế bé và đung đưa, đi lại một cách nhẹ nhàng. Còn nếu bé vẫn khóc to và mất bình tĩnh, ba mẹ nên chuyển động nhanh hơn nhưng chú ý thật cẩn thận, phải đặt an toàn của bé lên trên hết.
  • S5 (sucking): Ngậm ti giả. Vì có nhiều bé trở nên bình tĩnh hơn khi được bú mẹ nên bạn có thể cho con ngậm ti giả để giúp con được thoải mái và dễ ngủ hơn.

Kinh nghiệm rèn con tự ngủ của các ba mẹ khác

Mẹ Phạm Ngọc Vân (Bắc Giang) đã rèn cho 2 bé nhà mình tự ngủ ngay từ 4 tháng tuổi mà không hề phải bồng ẵm hay ru gì cả. Bí quyết rèn con tự ngủ của chị là:

  • Dạy trẻ các phân biệt ngày - đêm: Ban ngày bật hết đèn lên, ban đêm thì tắt hết đèn đi.
  • Lúc trẻ buồn ngủ hay gắt ngủ thì không bao giờ cho con ngậm ti hay bú bình vì dễ thành thói quen khó bỏ.
  • Đặt trẻ tự ngủ tối đa. Cho con ăn no trước khi đi ngủ và sau đó nếu bé có thức dậy giữa chừng cũng tránh dỗ, để con khóc khoảng 5 - 10 phút thì sẽ tự đi vào giấc ngủ trở lại.

Và điều quan trọng là kiên trì thực hiện, rèn luyện trong 1 tuần liên tục. Đồng thời chú ý tới cả giấc ngủ ban ngày của con, chỉ cho con ngủ đủ giấc ban ngày. Nếu bé ngủ quá nhiều hay không đúng giấc, chị sẽ cố gắng để con thức dậy chơi cùng mẹ.

kinh nghiệm rèn con tự ngủ

Hay kinh nghiệm giúp bé tự ngủ khác đến từ mẹ Đinh Huyền (Hà Nội). Sau khi tìm hiểu rất nhiều phương pháp rèn ngủ (4s, 5s, pick up put down, cio with check, cio...) qua các tài liệu, sách vở và chia sẻ từ hội nhóm, chị Huyền đã chọn phương pháp Cio with check (phương pháp khóc có kiểm soát) vì thấy nó phù hợp với bé.

Cụ thể, phương pháp này như sau:

  • Đến giờ ngủ, nhẹ nhàng đặt bé vào giường (khi con vẫn còn thức) và nói "chúc con ngủ ngon" sau đó ra khỏi phòng.
  • Nếu bé khóc, ba mẹ cũng không nên quay lại bế ẵm bé ngày mà hãy để bé khóc trong khoảng thời gian nhất định (VD: 3 phút) rồi mới quay lại trấn an bé. Nhưng chỉ nên vỗ về, dỗ dành chứ không nên bế trẻ lên để ẵm ru.
  • Sau đó rời phòng và để bé khóc 5 phút nữa. Nếu bé chưa ngủ ngoan, bạn rời phòng và để con khóc thêm 10 phút nữa.
  • ...

Cứ như vậy, quy luật này là tăng dần khoảng thời gian chờ đợi, trong các lần và trong các ngày sau đó. Nhưng cần lưu ý là ba mẹ hãy quan sát con từ bên ngoài để nếu bé có nôn trớ, ị hay tè thì mình cần vào thay cho bé ngay nhé. Và hãy hạn chế tối đa việc bế bé lên.

2/ Cần lưu ý khi rèn cho con tự ngủ

kinh nghiệm rèn con tự ngủ

Dù áp dụng kinh nghiệm rèn con tự ngủ nào, trước hết ba mẹ cần nhận ra các tín hiệu buồn ngủ của bé để xác định khoảng thời gian tối ưu cho việc đặt bé vào giường nhé. Lúc này, bé sẽ có các biểu hiện như: dụi mắt, mắt lờ đờ, cáu gắt... Ba mẹ hãy quan sát và ghi chép các khoảng thời gian này để tìm ra mốc phù hợp cho bé đi ngủ, đặc biệt là tránh nhầm lẫn với các tín hiệu khi bé bị đói hay mệt mỏi.

Thứ đến, hãy chuẩn bị cho trẻ một không gian ngủ tốt:

  • Môi trường ít ánh sáng: kéo rèm, tắt điện.
  • Môi trường yên tĩnh, có thể bật tiếng ồn trắng hoặc nhạc nhẹ nhàng với âm lượng vừa phải.
  • Giường/ cũi ngủ êm ái, thoải mái và không để bất kỳ vật gì có thể khiến bé bị ngạt.
  • Nhiệt độ phòng, độ ẩm phù hợp. Nhiệt độ phù hợp khi quấn bé là 20 - 24 độ (đo bằng nhiệt ẩm kế chuyên dụng chứ không phải nhiệt độ trên điều hòa).
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ, bởi ánh sáng xanh từ các thiết bị này sẽ ức chế quá trình tiết melatonin trong cơ thể trẻ, khiến trẻ khó ngủ hơn và lâu dần có thể làm con rối loạn giấc ngủ.

Có một sai lầm cha mẹ dễ gặp phải là thường để bé ngủ hay quá buồn ngủ mới đặt con lên giường. Tuy nhiên, theo khoa học tâm lý thì chúng ta nên đặt trẻ lên giường khi con còn thức, bởi khi ấy con mới có thể nhận thức được không gian xung quanh lúc đi ngủ, cảm thấy quen thuộc để an tâm ngủ trở lại khi thức dậy giữa đêm.

Nếu từ 6 tháng tuổi mà trẻ vẫn thường xuyên khó ngủ, ngủ không sâu giấc và ảnh hưởng đến sinh hoạt ban ngày của con lẫn ba mẹ thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung melatonin cho trẻ. Bổ sung melatonin trước khi đi ngủ 30 - 45 phút sẽ hỗ trợ bé dễ ngủ và ngủ ngon sâu giấc hơn, hình thành nhịp sinh học tự nhiên và thói quen tự ngủ tốt.

Trên đây là các kinh nghiệm rèn con tự ngủ mà các ba mẹ Việt đã áp dụng thành công. Hy vọng ba mẹ đã có thể lựa chọn cho mình phương pháp phù hợp. Và đừng quên kiên trì áp dụng các nhất quán để con trẻ sớm hình thành thói quen tự ngủ tốt nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

VB9