Trong một nghiên cứu về đặc điểm lâm sàng của trẻ tự kỷ 18-36 tháng tại BV Nhi TW cho thấy có tới 61% trẻ tự kỷ đi nhón chân. Vậy tại sao trẻ lại có sở thích này và khi bé thường xuyên đi như vậy có nguy hiểm đáng lo ngại nào không?
1/ Tại sao trẻ tự kỷ đi nhón chân?
Dường như đi nhón chân là dấu hiệu đặc trưng của chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ. Nghiên cứu cho thấy, có một vài nguyên nhân điển hình dẫn tới tình trạng này như:
- Trẻ gặp khó khăn về giác quan: Một số trẻ tự kỷ đi nhón chân do thấy lo lắng hoặc khó chịu khi một số vùng của bàn chân chạm đất nên hình thành “sở thích” đi bằng ngón chân này.
- Trương lực cơ yếu: Ở một số bé tự kỷ có trương lực cơ yếu, trọng lượng sẽ dồn về phía trước nên làm cho trẻ có xu hướng đi bằng ngón chân để giữ thăng bằng.
- Tổn tương hệ thống tiền đình: Tiền đình có chức năng giữ thăng bằng, vận động và phối hợp các chuyển động. Hệ thống này bị tổn thương sẽ dẫn tới việc trẻ cảm thấy khó thăng bằng với cách đi thông thường, và xử lý chúng bằng cách đi nhón chân.
Chính vì trẻ tự kỷ có biểu hiện này mà không một số cha mẹ vẫn nhầm tưởng trẻ đi nhón chân là tự kỷ. Song ở trẻ dưới 2 tuổi, hiện tượng đi nhón chân hoàn toàn bình thường. Nếu trẻ lớn hơn và vẫn còn hiện tượng này, kết hợp với các bất thường sức khỏe, hành vi khác thì đây có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của các bệnh lý nguy hiểm như: rối loạn phổ tự kỷ, bại não, loạn dưỡng cơ, bất thường tủy sống...
2/ Khi trẻ tự kỷ đi nhón chân có sao không?
Việc đi lại nhiều bằng ngón chân sẽ làm tăng nguy cơ ngã của trẻ. Nó cũng có thể dẫn đến kỳ thị xã hội.
Về lâu dài, vì không có sự hoạt động đồng đều giữa các cơ nên các cơ bắp chân (cẳng chân) sẽ yếu đi, co rút và ngắn hơn bình thường. Gân Achilles ở mắt cá chân chân cứng và thiếu sự phối hợp với các cơ bắp khác. Điều này vừa là hậu quả, mặt khác cũng là nguyên nhân đi nhón chân ở trẻ. Từ đó khiến tình trạng này càng trầm trọng hơn, trẻ sẽ gặp khó khăn trong đi lại và gây đau đớn. Trong trường hợp nghiêm trọng trẻ tự kỷ đi nhón chân thậm chí cần phẫu thuật để kéo dài gân.
Vì thế, khi thấy trẻ hay đi nhón chân, bạn nên có các biện pháp giúp trẻ khắc phục tại nhà và nhờ tới sự giúp đỡ của các chuyên gia khi cần thiết để giúp trẻ giảm bớt và loại bỏ thói quen xấu này.
3/ Cách xử lý tình trạng đi nhón chân ở trẻ tự kỷ
Tại nhà, tùy thuộc vào nguyên nhân trẻ tự kỷ đi ngón chân mà chúng ta có thể áp dụng một số hoạt động như:
- Nếu trẻ gặp khó khăn về cảm giác, bạn có thể cùng con chơi trò chơi diễu hành, ngồi xổm, ngồi trên quả bóng yoga… để khuyến khích toàn bộ bàn chân chạm sàn.
- Nếu do trương lực cơ thấp, các hoạt động như nhảy trên tấm bạt/ nệm lò xo, đi trên chỗ không bằng phẳng như ghế sô pha, nệm… có thể có lợi.
- Nếu trẻ gặp khó khăn về tiền đình, hãy thử hoạt động đu xích đu, tàu lượn… điều này sẽ giúp kích thích hệ thống tiền đình của bé.
Bạn cần đưa bé đi khám để biết được chính xác nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu tình trạng trẻ tự kỷ đi nhón chân còn nhẹ và bạn chưa thể tới bệnh viện để khám chuyên sâu, hãy kiên trì áp dụng cả ba trò chơi gợi ý trên nhé.
Nhưng tốt nhất, bạn nên đưa trẻ tới cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được bác sĩ thăm khám và đánh giá đúng tình trạng. Bởi một số trẻ sẽ cần tới các biện pháp can thiệp như:
- Vật lý trị liệu: để kéo nhẹ nhàng các cơ bàn chân.
- Nẹp chân, bó bột: áp dụng với những bé quá khó khăn khi chạm bàn chân xuống đất. Cách này giúp trẻ dần làm quen với việc tiếp nhận trọng lực cơ thể bằng cả hai bàn chân.
(Khi quyết định bất kỳ phương pháp điều trị nào, cha mẹ nên tính đến hiệu quả, độ an toàn và chi phí của phương pháp điều trị.)
Ngoài các biện pháp khắc phục ở trên, bạn cũng nên lưu ý tới việc chọn giày cho trẻ để giúp con đi thoải mái và bàn chân được cố định hơn: lựa chọn giày cổ cao, đế rộng, gót giày chắc chắn, giày ôm trọn chân của bé.
Trên đây là nguyên nhân, giải pháp khi trẻ tự kỷ đi nhón chân. Nuôi dạy trẻ tự kỷ không phải hành trình dễ dàng, có những khó khăn, có nhiều điều khó hiểu... nhưng là do con đang nhìn thế giới vận hành theo "cách khác" mà thôi. Hãy luôn kiên nhẫn và thể hiện tình yêu thương tới con bạn nhé!