Gửi Câu Hỏi

Tình trạng trẻ tự kỷ khó ngủ: Các nguyên nhân và Cách khắc phục

Trẻ tự kỷ khó ngủ là tình trạng khá phổ biến. Các tổn thương trong hệ thần kinh đã ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của trẻ. Nhưng đồng thời, khi không được ngủ đủ giấc, hệ thần kinh của trẻ cũng bị ảnh hưởng và trầm trọng hơn các hành vi tiêu cực trong ngày. Vô hình trung, chúng tạo thành vòng tròn luẩn quẩn khó khắc phục. Vậy phải làm sao để chấm dứt tình trạng này?

1/ Tình trạng trẻ tự kỷ khó ngủ

trẻ tự kỷ khó ngủ

Bệnh tự kỷ là một rối loạn thần kinh biểu hiện sớm trong quá trình phát triển, thường ngay khi trẻ 2 - 3 tuổi với triệu chứng cốt lõi là thiếu tương tác xã hội. Ít trẻ tự kỷ có ngủ ngon. Nghiên cứu cho thấy, có khoảng 40 - 80% trẻ mẫu giáo tự kỷ gặp vấn đề rối loạn giấc ngủ. Sự rối loạn này phổ biến gấp đôi so với trẻ bình thường.

Trẻ tự kỷ khó ngủ với các bất thường điển hình như:

  • Thời gian đi vào giấc ngủ lâu hơn: trẻ tự kỷ thường mất thêm trung bình 11 phút để đi vào giấc ngủ so với trẻ bình thường.
  • Thói quen ngủ không nhất quán
  • Dễ thức giấc về đêm, thức dậy sớm
  • Một số trẻ hay gặp tình trạng ngưng thở khi ngủ.

2/ Nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ khó ngủ

Hiện vẫn chưa chắc chắn nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ bị khó ngủ, nhưng một vài giả thuyết đã được đặt ra.

Đầu tiên là nhịp sinh học. Một số nghiên cứu cho thấy, khả năng trẻ tự kỷ bị đột biến gen chi phối chu kỷ thức - ngủ hoặc những gen có liên quan đến chứng mất ngủ. Trẻ tử kỷ hoặc được chẩn đoán tự kỷ có nhịp sinh học yếu hơn, nồng độ melatonin tiết ra trong ngày ít dao động, thời điểm tiết ra thất thường và tổng lượng tiết ra cũng ít hơn trẻ bình thường.

Melatonin là hormone điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể. Ở người bình thường, chúng sẽ gia tăng mạnh mẽ vào ban đêm và giảm sút nhanh chóng vào ban ngày. Về đêm, melatonin giải phóng từ tuyến tùng vào máu như một tín hiệu sinh học quan trọng để báo hiệu đã đến giờ đi ngủ tới các cơ quan. Do sự thiếu hụt hormone này mà trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong các vấn đề liên quan tới giấc ngủ.

Nguyên nhân trẻ ASD khó ngủ
Nguyên nhân trẻ ASD khó ngủ

Tiếp đến là các tín hiệu xã hội. Bên cạnh nhịp sinh học sẵn có trong cơ thể, mọi người cũng sử dụng các tín hiệu xác hội, như thấy những người xung quanh đi ngủ để cũng đi ngủ theo. Nhưng với trẻ tự kỷ, các tín hiệu từ xã hội hạn chế, trẻ hiểu sai hoặc không hiểu các dấu hiệu này.

Trẻ tự kỷ thường mắc thêm các vấn đề về đường tiêu hóa và thường hay lo lắng, và vô tình chúng cũng tác động xấu tới giấc ngủ của trẻ.

Ngoài ra, trẻ nhạy cảm hơn với các yếu tố âm thanh, ánh sáng bên ngoài nên dễ thức dậy đột ngột về đêm hơn.

3/ Giấc ngủ của trẻ tự kỷ quan trọng thế nào?

Ở trẻ tự kỷ khi ngủ, lượng giấc ngủ REM ít hơn 30 - 50% so với trẻ bình thường. Trong khi những giấc ngủ REM này đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập số lượng kết nối tín hiệu thần kinh trong não bộ. Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy thiếu giấc ngủ REM liên quan đến hội chứng rối loạn phổ tự kỷ.

Một nghiên cứu trên chuột sơ sinh còn cho thấy, khi chúng bị tước bỏ giấc ngủ REM đã dẫn tới các kết nối thần kinh, quá trình phát triển tế bào thần kinh trong não bộ trở nên khác thường. Chúng trở nên thiếu cởi mở và cô đơn khi hòa nhập xã hội trong các giai đoạn sau đó.

Nhiều bằng chứng cho thấy ngủ quá ít có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng của bệnh tự kỷ. Những trẻ không được ngủ đủ giấc có thể gặp các tình trạng:

  • Hiếu động, các hành vi lặp đi lặp lại nghiêm trọng hơn
  • Khả năng kết bạn khó khăn hơn.
  • Trẻ cũng có xu hướng đạt điểm thấp hơn trong các bài tập kiểm tra trí thông minh.
  • Hiếu động và dễ bị phân tâm hơn
  • Cáu gắt
  • Phiền muộn

Bên cạnh đó, trẻ tự kỷ khó ngủ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giấc ngủ của cha mẹ. Bạn sẽ phải thường xuyên thức dậy về đêm, kiểm tra giấc ngủ của trẻ và hay phải dậy sớm hơn.

4/ Phải làm sao để trẻ tự kỷ ngủ ngon?

Cách để trẻ tự kỷ ngủ ngon

Cải thiện không gian ngủ là biện pháp giúp trẻ tự kỷ ngủ ngon được khuyến khích trong mọi trường hợp. Một vài phương pháp mà bạn có thể áp dụng như:

  • Thiết lập thói quen ngủ ban đêm: cho trẻ lên giường vào cùng một giờ.
  • Không gian ngủ thoải mái, yên tĩnh, ít ánh sáng, nhiệt độ phòng phù hợp
  • Giúp trẻ thư giãn trước khi đi ngủ bằng một số cách như: massage, đọc sách, bật nhạc không lời...
  • Không sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Bởi ánh sáng xanh từ chúng sẽ ức chế việc tiết hormon melatonin của cơ thể.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt các loại thuốc trị chứng mất ngủ, chẳng hạn như Ambien nhưng chủ yếu dành cho người lớn mắc chứng tự kỷ và không dùng cho trẻ em. Đối với các vấn đề nghiêm trọng hơn như ngưng thở khi ngủ, các bác sĩ lâm sàng đôi khi khuyên bạn nên cho trẻ sử dụng thiết bị thở ban đêm như máy thở áp lực dương liên tục (CPAP).

Nhưng đối với nhiều vấn đề về giấc ngủ, bổ sung melatonin có thể là một lựa chọn tốt. Melatonin không phải là thuốc ngủ. Rất nhiều nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy cho thấy bổ sung melatonin giúp trẻ tự kỷ, trẻ tăng động giảm chú ý hoặc các trẻ có tổn thương hệ thần kinh khác dễ ngủ và ngủ sâu giấc, giảm thức giấc về đêm và các hành vi trong ngày cũng được cải thiện. Các nghiên cứu tới nay vẫn cho thấy melatonin an toàn khi sử dụng lâu dài cho trẻ.

Hy vọng bạn sẽ thực hành trọn vẹn các giải pháp trên để tình trạng trẻ tự kỷ khó ngủ được khắc phục tốt và cải thiện sự phát triển não bộ. Nếu có bất kỳ băn khoăn nào, bạn có thể để lại câu hỏi nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

VB9