Tìm hiểu tại sao trẻ ngủ hay chảy nước miếng, nước dãi khi ngủ có thể tạm thời hoặc mãn tính tùy thuộc vào nguyên nhân. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến cũng như cách xử trí cho từng trường hợp.
1/ Tại sao trẻ ngủ hay chảy nước miếng?
Thực tế, trẻ ngủ hay chảy nước miếng là hiện tượng khá phổ biến. Nguyên nhân là do khi trẻ tăng tiết nước bọt và/ hoặc khả năng nuốt khi ngủ bị giảm, nước bọt bị tích tụ nhiều trong khoang miệng sau đó chảy ra ngoài khi trẻ đang ngủ một cách không chủ ý.
Trẻ 0-2 tuổi ngủ hay chảy nước miếng sẽ là điều bình thường. Do tới 18 - 24 tháng tuổi, trẻ mới phát triển hoàn toàn khả năng nuốt và hoạt động của các cơ miệng. Cha mẹ không cần quá lo lắng hay can thiệp nhiều trong trường hợp này nhé.
Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân lý giải tại sao trẻ ngủ hay chảy nước miếng khác, bao gồm:
Do mọc răng
Đây là lý do trẻ sơ sinh ngủ hay chảy nước miếng mà nhiều cha mẹ nghĩ tới. Những chiếc răng mới nhú sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu và bắt đầu chảy nước miếng nhiều hơn.
Lúc này, trẻ không chỉ chảy nước miếng trong khi ngủ mà còn tại thời điểm ban ngày khi bé thức. Bé ngứa lợi nên còn hay cho tất cả những gì cầm được vào miệng và nhai. Kèm theo là cảm giác bồn chồn, khó chịu, thiếu ngủ và có thể sốt nhẹ.
Do tư thế ngủ nghiêng, nằm sấp cố định
Mặc dù khi ngủ, nước bọt sẽ tiết ra ít hơn nhưng chúng vẫn được tiết đều đặn để làm ẩm và bảo vệ khoang miệng bé khỏi vi khuẩn. Đồng thời khi ngủ cũng là lúc mà cơ mặt thư giãn. Nên nếu trẻ có thói quen ngủ nghiêng, nằm sấp, đặc biệt khi kết hợp với phản xạ nuốt còn kém với các bé dưới 2 tuổi thì nước bọt sẽ dễ tích tụ, khi nhiều sẽ chảy ra ngoài. Còn khi ngủ nằm ngửa, trẻ sẽ tự nhiên nuốt nước bọt vào trong nên không gây hiện tượng này.
Do thực phẩm
Một số loại thực phẩm hoặc gia vị, đặc biệt là chua và cay có thể làm trẻ tăng tiết nước miếng khi ngủ. Do đó, bạn hãy kiểm tra xem có mối liên quan của tình trạng này với loại thực phẩm đặc biệt nào không và hạn chế cho trẻ ăn chúng vào bữa tối nhé.
Do trẻ thở bằng miệng khi ngủ
Các quan sát cho thấy, trẻ thường thở bằng miệng khi bị tắc nghẽn đường hô hấp trên (nghẹt mũi, sổ mũi, viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang…), trẻ thở bằng miệng như một cách thích nghi của cơ thể để lấy đủ oxy. Khi đó, các bé thường kèm theo các dấu hiệu như: chảy nước miếng, ngáy to, nghiến răng, khịt mũi khi khóc…
Trong một số trường hợp, trẻ thở bằng miệng khi ngủ có thể do cấu tạo khuôn miệng hoặc quai hàm khác biệt khiến trẻ khó khép môi lại được. Thường gặp ở các bé răng mọc lệch, khấp khểnh, khớp cắn khó ở đúng vị trí.
Trẻ bị tổn thương hầu họng
Các nhiễm trùng cấp tính liên quan tới miệng hoặc cổ họng như viêm nướu, viêm amidan nặng, áp xe hầu họng, viêm thanh quản, tổn thương niêm mạc miệng… cũng có thể gây tăng tiết nước bọt quá mức. Trẻ khi ngủ dễ chảy nước miếng vì lượng nước bọt nhiều hơn. Mặt khác cảm giác đau cũng khiến bé khó nuốt nước bọt.
Do trào ngược dạ dày thực quản
Các nhà khoa học cho rằng, các cơn trào ngược dạ dày mang theo acid dịch vị sẽ kích thích thực quản và khiến chúng sản xuất nước bọt nhiều hơn bình thường. Nhất là với các bé sơ sinh, dạ dày còn nằm ngang thì tình trạng này càng dễ xảy ra hơn. Chính vì thế, bạn không nên cho bé ăn quá no hay quá muộn vào buổi tối, tránh đặt trẻ nằm ngay sau khi ăn.
Do thuốc và hóa chất
Đôi khi, một số loại thuốc có thể làm bé chảy nước miếng nhiều hơn khi ngủ như: morphin, pilocarpine, methacholine, haloperidol và clozapine. Chảy nước dãi thứ phát sau khi sử dụng các thuốc benzodiazepin như nitrazepam có thể được giải thích là do chúng làm khả năng nuốt bị suy giảm.
Do rối loạn hệ thống thần kinh trung ương và cơ bắp
Chảy nước dãi cũng thường xảy ra ở trẻ bị rối loạn hệ thần kinh trung ương và cơ, chẳng hạn như bại não, liệt dây thần kinh mặt, nhược cơ, viêm đa cơ. Người ta ước tính rằng có tới 25-35% trẻ bại não, 10% trẻ chậm phát triển trí tuệ chảy nước miếng ở các mức độ khác nhau. Nhiều trẻ bị rối loạn chức năng ở giai đoạn nuốt, không cảm nhận được đầy đủ về cảm giác mất nước bọt bên ngoài, hoặc mất khả năng cấu trúc hoặc chức năng để khép môi trong giai đoạn nuốt bằng miệng.
2/ Cần làm gì khi bé ngủ bị chảy nước miếng
Trong các lý do tại sao trẻ ngủ hay chảy nước miếng kể trên thì phần lớn thường xuất phát từ yếu tố sinh lý, tư thể ngủ và không phải là điều gì quá nghiêm trọng. Các bác sĩ thường sẽ không khuyến khích bất kỳ phương pháp điều trị nào với trẻ dưới 2 tuổi chảy nước dãi nhiều. Có thể khuyến khích điều trị khi tình trạng này nghiêm trọng, chảy cả xuống quần áo hoặc gây nứt nẻ, kích ứng da của bé. Hay chảy nước bọt quá nhiều dẫn tới bé dễ hít nước bọt vào phổi gây viêm phổi.
Nếu trẻ chảy nước dãi khi ngủ nhiều mà không có liên quan đến bệnh lý, bạn có thể giúp bé hạn chế tiết nước bọt bằng các mẹo chữa chảy nước miếng khi ngủ sau đây:
Điều chỉnh tư thế ngủ
Điều đầu tiên mà bạn cần làm để khắc phục hiện tượng chảy nước miếng trong khi ngủ là thay đổi tư thế ngủ cho bé. Nhờ việc chuyển sang nằm ngửa, trẻ có thể kiểm soát tốt hơn dòng chảy của nước bọt để nó không bị tích tụ trong miệng và chảy ra ngoài.
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ sẽ giúp hạn chế vi khuẩn trong khoang miệng của trẻ, đồng thời hạn chế nước bọt tiết ra quá mức. Vì về bản chất, nước bọt tiết ra là để giữ ẩm và vệ sinh khoang miệng, cuốn trôi vi khuẩn gây sâu răng. Khi răng miệng không được sạch sẽ thì nước bọt sẽ được tiết ra nhiều hơn để thực hiện chức năng này.
Ngoài ra, bạn cũng nên nhắc nhở trẻ uống nước đầy đủ để tránh khô miệng. Đặc biệt là ở các bé dưới 6 tuổi vì chúng chưa đủ nhận thức về khát nước, ham chơi và không biết nói khi cần nước. Khô miệng chính là nguyên nhân khiến nước bọt tiết ra nhiều hơn.
Nếu như bé đang mọc răng, bạn nên massage nướu cho bé nhẹ nhàng bằng ngón tay để giảm bớt khó chịu cho bé. Cho trẻ đeo thêm yếm dãi và dùng khăn sạch lau miệng thường xuyên cho trẻ.
Làm loãng nước bọt trước khi đi ngủ.
Làm loãng nước bọt sẽ giúp phản xạ nuốt dễ dàng hơn. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách cho trẻ cắn một miếng chanh, quýt hoặc uống một cốc nước lọc trước khi đi ngủ.
Điều trị các bệnh về đường hô hấp, dị ứng, xoang
Các bệnh về đường hô hấp, dị ứng, mũi xoang là nguyên nhân chính khiến trẻ phải thở bằng miệng khi ngủ và làm nước miếng tiết nhiều hơn. Do đó, bạn hãy điều trị tốt các bệnh này cho bé nhé.
Với bé nghẹt mũi nhẹ, bạn có thể nhỏ mũi cho bé với nước muối sinh lý 0,9% để làm loãng dịch nhầy, thông thoáng đường thở cho con. Điều này sẽ an toàn hơn nhiều so với việc dùng thuốc mà vẫn đảm bảo hiệu quả.
Với trường hợp bé nghẹt mũi nhiều, dịch nhầy đặc bạn nên thay thế bằng muối ưu trương 3% để hiệu quả cao hơn. Nghiên cứu cho thấy, muối ưu trương 3% cho hiệu quả làm loãng dịch nhầy và giảm các triệu chứng viêm mũi, sổ mũi… hiệu quả gấp 2-3 lần muối sinh lý. Với các bé sơ sinh, niêm mạc mũi còn mỏng thì sản phẩm muối ưu trương có thêm thành phần dưỡng ẩm Natri Hyaluronate sẽ an toàn và dễ dùng hơn.
Trị liệu bằng giọng nói
Liệu pháp ngôn ngữ có thể là một lựa chọn tốt nếu tình trạng chảy nước miếng của trẻ là kết quả của sự bất ổn định về hàm và yếu lưỡi. Bạn cần cho trẻ đi khám để xác định chính xác có phải do nguyên nhân này hay không và để bác sĩ hướng dẫn phương pháp phù hợp nhé.
Nhìn chung, mục đích của phương pháp này là giúp nói chậm lại, chỉ cho trẻ cách thức thở đúng để bé có thể nói được lớn hơn, tập luyện những bài thể dục để gia tăng cử động của các cơ miệng, lưỡi và môi. Mặc dù phương pháp điều trị này có thể mất một thời gian nhưng nó có thể cải thiện cách con bạn nuốt và giảm bớt tình trạng chảy nước miếng.
Sử dụng thiết bị hỗ trợ
Có những hàm giả đặc biệt được thiết kế để hỗ trợ việc nuốt, bằng việc định vị lưỡi và giúp khép môi lại, tạo điều kiện cho trẻ nuốt tốt hơn để ít chảy nước miếng khi ngủ hơn.
Trên đây là các lý do tại sao trẻ ngủ hay chảy nước miếng cũng như các mẹo và phương pháp khắc phục. Mặc dù tiết nước bọt là hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ và hầu hết việc chảy nước miếng khi ngủ là điều bình thường ở các bé, nhưng bạn vẫn cần theo dõi chặt chẽ nếu bé có các tình trạng sức khỏe bất thường khác kèm theo hoặc khi tình trạng này tăng lên và không có dấu hiệu giảm sau 2 tuổi nhé.