Gửi Câu Hỏi

Khủng hoảng giấc ngủ ở trẻ kéo dài bao lâu và cách khắc phục

Khủng hoảng giấc ngủ ở trẻ là tình trạng mà bất kỳ trẻ nào cũng phải trải qua. Con vẫn phát triển cân nặng, chiều cao đạt chuẩn nhưng sự thất thường trong giấc ngủ của con khiến cha mẹ không khỏi mệt mỏi. Vậy các cơn khủng hoảng này có thể tự khỏi không và có những cách khắc phục hiệu quả nào?

1/ Dấu hiệu khủng hoảng ngủ ở trẻ em

Khủng hoảng ngủ là gì? Thực chất, khủng khoảng giấc ngủ ở trẻ là giai đoạn khi em bé đang ngủ tốt bỗng đột ngột thức dậy nhiều về đêm, khóc đêm, đòi ăn, đòi chơi,... ngủ ít hơn mà không rõ lý do. Vì thiếu ngủ nên ban ngày trẻ dễ xuất hiện thêm các dấu hiệu như: ngáp ngủ nhiều, sụp mí mắt, ngủ gật, lờ đờ, mệt mỏi... và giảm linh hoạt, ít chơi đùa.

Khủng hoảng giấc ngủ ở trẻ

Các chuyên gia cho rằng đây thường chỉ là dấu hiệu trẻ đang phát triển một kỹ năng mới. Não bộ của trẻ phát triển nhanh chóng, theo đó là sự phát triển của các kỹ năng vận động, cơ bắp nên phối hợp giữa sự phát triển và nghỉ ngơi bị rối loạn.  

2/ Các giai đoạn khủng hoảng ngủ ở trẻ thường gặp

Các giai đoạn khủng hoảng giấc ngủ ở trẻ có thể trùng hoặc không với những tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh wonder weeks. Như các nhận định từ các chuyên gia rằng đây thường là dấu hiệu trẻ đang phát triển một kỹ năng mới, nên chúng thường xảy ra vào các giai đoạn: tập lật (4 tháng); bò trườn (7 - 9 tháng); tập đi (1 tuổi).

  • Khủng hoảng ngủ 4 tháng: đây là thời điểm khủng hoảng ngủ trẻ sơ sinh thường xuất hiện đầu tiên. Lúc này có thể do ảnh hưởng từ việc trẻ sắp mọc răng, nhịp sinh học của bé cũng đang trong giai đoạn hình thành và hoàn thiện.
  • Khủng hoảng ngủ 7 - 9 tháng: đây là lúc mà trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm. Hệ tiêu hóa của con đang tập làm quen và dần thích nghi với thức ăn mới nên không tránh khỏi những xáo trộn, đường ruột làm việc về đêm khiến con khó ngủ hơn. Bạn hãy massage bụng cho bé trước khi đi ngủ nhé. Ngoài ra, nếu bé còn hay gặp hiện tượng đầy bụng, ăn không tiêu, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa... thì bạn nên cân nhắc bổ sung thêm men vi sinh để hỗ trợ tiêu hóa của con hoạt động trơn tru hơn.
  • Khủng hoảng ngủ 12 tháng:  thời gian ngủ của trẻ sẽ giảm dần theo tuổi và lúc này sẽ chỉ còn khoảng 12 - 14 tiếng mỗi ngày. Trẻ bước vào giai đoạn tập đi và thích khám phá cuộc sống, mải chơi. Bé nhạy cảm và hình thành suy nghĩ về mọi thứ xung quanh khiến con ngủ ít hơn bình thường.
các giai đoạn thường gặp
Khủng hoảng ngủ ở trẻ 18 tháng tuổi
  • Khủng hoảng ngủ 18 - 24 tháng: bé ham chơi và tiếp tục phát triển ngôn ngữ. Đây cũng là giai đoạn tâm lý, cảm xúc của trẻ phát triển mạnh mẽ và kéo theo biến chuyển trong giấc ngủ.

3/ Trẻ bị khủng hoảng ngủ kéo dài bao lâu 

Tình trạng khủng hoàng này có thể kéo dài 3 - 4 tuần nhưng cũng có trường hợp lâu hơn, kéo dài tới vài tháng.

4/ Khi trẻ bị khủng hoảng giấc ngủ ảnh hưởng thế nào?

Nhìn chung, khủng hoảng giấc ngủ ở trẻ thường ít ảnh hưởng tới sức khỏe của con bởi nó chỉ là xáo trộn sinh lý bình thường trên tiến trình phát triển. Song điều đó lại ảnh hưởng khá nhiều tới giấc ngủ của cha mẹ và những người xung quanh. Vì vậy, hiện tượng này cũng nên hạn chế và được điều chỉnh lại.

Cha mẹ cũng không nên chủ quan bởi nhiều khi chúng không còn chỉ là khủng hoảng giấc ngủ mà có thể dẫn tới rối loạn giấc ngủ ở trẻ.

5/ Khắc phục hiện tượng khủng hoảng ngủ ở trẻ em

Cách khắc phục khủng hoảng ngủ ở trẻ
Cách khắc phục khủng hoảng ngủ ở trẻ

Thiết lập không gian ngủ tốt khi trẻ bị khủng hoảng giấc ngủ

Đây là yếu tố quan trọng cho giấc ngủ dù trẻ đang ở giai đoạn nào. Và khi trẻ bị khủng hoảng giấc ngủ, bạn càng cần lưu ý tới chúng hơn nữa.

Về cơ bản, không gian ngủ tốt cần sự yên tĩnh, thoải mái (chăn, gối, quần áo của trẻ), hạn chế ánh sáng. Bởi giấc ngủ của trẻ thường nông, sự tác động nhỏ từ bên ngoài sẽ khiến trẻ giật mình tỉnh giấc. Ngoài ra, ánh sáng từ bóng đèn, các thiết bị điện tử sẽ ức chế sự tiết melatonin - hormon giấc ngủ tự nhiên trong cơ thể trẻ và làm bé khó ngủ.

Cho bé hoạt động ngoài trời nhiều hơn vào ban ngày

Hoạt động nhiều hơn sẽ giúp con thêm hoạt bát, năng động. Tâm trạng được cải thiện tích cực sẽ giúp con ngủ ngon hơn. Ngoài ra, hoạt động ban ngày sẽ giúp trẻ phân biệt được sự khác biệt giữa ngày và đêm, biết rằng ban ngày là thời gian vui chơi còn ban đêm là lúc nghỉ ngơi, đi ngủ.

Hạn chế thời gian ngủ ngày

Nên hạn chế thời gian ngủ ban ngày của trẻ để ban đêm bé dễ ngủ và ngủ sâu giấc hơn. Ngoài ra, nên đánh thức trẻ dậy sớm khoảng 7h sáng, tránh để cơ thể ngủ quá nhiều dẫn tới mệt mỏi.

Massage bụng khi khủng hoảng giấc ngủ ở trẻ

Đói về đêm là tình trạng thường gặp ở các trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm. Vì đường tiêu hóa của trẻ còn đang bắt nhịp với thức ăn mới nên nhiều khi chưa tiêu hóa được hết thức ăn, trẻ có thể gặp tình trạng đầy bụng, khó tiêu khi đi ngủ. Do đó, bạn nên cho trẻ bú trước khi đi ngủ để đảm bảo con không bị đói, và massage bụng cho trẻ để giúp con tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Bên cạnh đó, nếu trẻ khóc bạn không nên vội cho trẻ bú ngay. Bởi phần lớn trường hợp trẻ khóc không phải do con đang đói. Nếu cho trẻ bú ngay, rất có thể con sẽ hình thành thói quen phụ thuộc vào mẹ, phải bú mẹ bé mới ngủ lại được. Lúc này, hãy theo dõi trẻ một vài phút trước đã nhé.

Nếu trẻ bị khủng hoảng ngủ kéo dài và ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, trí tuệ. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung melatonin cho trẻ để hỗ trợ phục hồi lại nhịp sinh học vốn có của con. Đây là thành phần tương tự melatonin tự nhiên được tiết ra bởi tuyến tùng, không phải là thuốc ngủ và an toàn cho trẻ.

Trên đây là những thông tin chung về khủng hoảng giấc ngủ ở trẻ, ở mỗi giai đoạn sẽ có thêm những lưu ý riêng. Nếu bạn còn bất kỳ băn khoăn nào, có thể để lại câu hỏi nhé!

Tham khảo thêm: Bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên là vấn đề gì?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

VB9